Khung cảnh

 

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I – A Dục

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

Khung cảnh tức là cảnh lồng trong một khung hạn định, điều nầy ai lại không biết. Nhưng với đề tài của một bài học là Khung cảnh thì chúng ta nói đến vấn đề gì đây ? Nó mang một nội dung như thế nào ? Vậy chúng ta phải nhìn cho rõ vấn đề :

1. ĐẶT VẤN ĐỀ :

Đã là cảnh lồng trong một khung hạn định thì phải chiêm ngưỡng trong cái khung đó, quán sát trong giới hạn dó, không có phóng tầm mắt lang bang ra ngoài cái khung nầy.

–   Chữ Hán : Khung có nghĩa là (       ) cao lớn như “ Khung thiên ”: là trời cao. Khung cảnh còn có nghĩa là cảnh cao rộng.

–   Cũng chữ Hán, còn có nghĩa (       ) là cái chuôi (rìu, búa để tra cán vào) – Đi với chữ Hán (       ) là cõi. Nghĩa bóng là trong một khuôn khổ thích nghi.

Vậy vấn đề được nêu ra trong bài học nầy :

a. Đưa các em đến với thiên nhiên cao rộng, khoáng đảng để giáo dục các em biết hòa mình với thiên nhiên.

b. Phải biết lựa chọn khung cảnh theo với chủ đích của mình muốn giáo dục và phải biết hướng các em tập trung tâm trí trong khung cảnh qui định đó, đừng để các em quán sát lang bang mà không có chủ đích nào.

c. Phải tùy khả năng, tùy theo tâm sinh lý mà giáo dục. Khung là cái chuôi cái chuôi thì phải vừa sít với cán rìu, cán búa, chỉ cần hơi lỏng một chút khi sử dụng búa sẽ văng ra khỏi cán. Nếu sít quá thì không tài nào đóng cán vào cho chặt được (người giáo dục phải hết sức chú trọng đến vấn đề nầy).

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ :

a. Lớp học là khung cảnh thiên nhiên :

Lớp học của các em, nhất là các em Oanh Vũ phải được tổ chức ngoài thiên nhiên khoáng đãng, đừng gò bó trong 4 bức tường tù túng, tâm lý các em thích gần gũi thiên nhiên, không muốn nhốt mình trong căn phòng chật chội, thế mà hằng ngày các em đã phải khép mình trong đó bao nhiêu giờ ở trường rồi. Ngày chủ nhật đến với Đoàn cũng được ngồi bệ vệ trên bàn trên ghế trong cái phòng tù túng thì các em còn ham thích gì nữa đâu. Đối với các em ngành Thiếu cũng vậy, nhưng nếu cần ghi chép bài vở nghiêm túc đầy đủ thì lớp học có quy cách vẫn thuận lợi hơn. Tuy nhiên không nên lúc nào cũng ngồi học tù túng trong phòng.

b. Du ngoạn, tham quan :

Thỉnh thoảng tổ chức cho các em đi du ngoạn, đi tham quan (trong bài du ngoạn) để các em được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên. Nhưng phải có chủ đích cuộc du ngoạn hay tham quan vì một cuộc du ngoạn là một bài học sống động và hữu hiệu nhất.

Ví dụ : Muốn tạo cho các em giữ yên tĩnh cho tâm hồn thì nên tổ chức cho các em du ngoạn ở một ngôi chùa nằm trên một đồi núi yên tĩnh, thanh vắng, hướng các em quan sát cảnh thơ mộng đẹp đẽ, yên tĩnh của núi đồi, cảnh tôn nghiêm thanh thoát của ngôi sơn tự để tâm hồn các em lắng đọng. Không thể tổ chức cho các em chơi đùa hoạt động ồn ào, khi du ngoạn với chủ đích nầy. Cũng không để các em phân tán tư tưởng bởi ngoại cảnh khác bên cạnh khung cảnh yên tĩnh nầy (ví dụ các em chăm nhìn 2 con bò húc nhau trên bải cỏ xa, trông con bò nào thắng, thì thật là phản giáo dục của buổi du ngoạn).

c. Chú trọng đến mọi khung cảnh trong môi trường sống của các em :

Với tuổi các em phương pháp huân tập rất có tác dụng mà xung quanh các em khung cảnh tốt đẹp thì ít mà khung cảnh xấu xa lại nhiều, người Huynh trưởng phải biết hướng các em :

–    Hằng tuần, những buổi lễ trong điện Phật trang nghiêm thanh tịnh cũng là một khung cảnh rất tốt. Vậy không thể thiếu đi trong những buổi sinh hoạt.

–    Đối với các em Oanh Vũ, khi ra đường nên khuyên nhủ các em đừng nhìn xem những cảnh đánh lộn của những em bé, của những thanh niên thô lổ ngoài đời.

–    Tập cho các em quan sát sự âu yếm đùa giởn của mèo mẹ với mèo con vào một buổi sáng hay buổi chiều trước sân nhà của em (hay nhà của bạn em) và thuật lại cảnh đùa giởn, dễ thương đầy tình mẫu tử của một con vật. Hoặc yêu cầu các em quan sát gà mẹ bảo vệ đàn gà con khi có con diều hâu sà xuống bắt con nó v.v  …

d. Cái chuôi phải vừa sít cái cán :

 Tuỳ lứa tuổi, tuỳ đề tài của bài học, tùy chủ đích của người Đoàn trưởng muốn giáo dục để tạo ra một khung cảnh hoặc hướng các em đến một khung cảnh nhưng phải phù hợp với khả năng, trình độ, tâm sinh lý của các em. Nhiều khi đặt yêu cầu cao quá hay trừu tượng quá thì cũng chẳng có kết quả nào.

Ví dụ : Có vài em Oanh Vũ quá hiếu động luôn luôn chạy nhảy lăng xăng không bao giờ ngồi yên tĩnh được 10 phút thế mà sau buổi tham quan ở một thiền viện nào đó bây giờ em đã có những nét thay đổi, bớt đùa nghịch phá phách hơn, thế là đã đạt yêu cầu lắm rồi. Đừng có nhân sau buổi tham quan đó mà bắt các em hằng ngày phải ngồi thiền mấy buổi v.v…

Còn đối với một số Thiếu nam, Thiếu nữ lớn hoặc đối với ngành Thanh thì sau buổi tham quan ấy có thể đặt vấn đề với các em :

–    Các em thấy không khí thiền viện thế nào ? Cái không khí ấy có tác dụng gì đến tâm hồn các em không ?

–    Em có thích, trong một ngày, có được vài giây phút để tâm mình yên tĩnh lắng đọng không ?

Trong nghệ thuật giáo dục bằng khung cảnh thì “ thiên biến vạn hóa ” tùy rất nhiều ở sáng kiến và nghệ thuật của các anh chị.

Nắm được vấn đề Khung cảnh là anh chị đã đạt đến một trình độ giáo dục khá cao nhưng vận dụng được đề tài nầy vào việc giáo dục các em để đem lại hiệu quả tốt, chúng ta còn phải có nhiều thời gian và đi vào thực tế nhiều hơn nữa.

Bài khác nên xem

Lời Dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma

phuocthanh

Người Huynh Trưởng GĐPT Việt Nam

phuocthanh

Tinh Thần Huấn Luyện Trại Huyền Trang

phuocthanh