Khái lược Phật giáo Việt Nam thời đại : Đinh – Lê – Lý – Trần

 

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

I. KHÁI LƯỢC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ DÂN TỘC :

Giai đoạn lịch sử này là giai đoạn độc lập của dân tộc Việt Nam,kéo dài 431 năm, từ năm Đinh Tiên Hòang xưng đế đến năm Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Trần Thiếu Đế(Thái Tử An) rồi bị Quý Ly cướp ngôi,(1400) chia ra như sau:

–     Nhà Đinh từ 968 đến 980 cai trị 12 năm.

–     Nhà Lê từ 980 đến 1009 cai trị 29 năm.

–     Nhà Lý từ 1010 đến 1225 cai trị 215 năm.

–     Nhà Trần từ 1225 đến 1400 cai trị 175 năm.

II. LỊCH SỬ PHẬT GIÁO :

Trong bốn triều đại đó, Phật giáo gắn liền với lịch sử dân tộc, do các vị cao Tăng tài đức đương thời luôn luôn tham gia quốc chánh.

Giai đoạn lịch sử này là giai đoạn thăng hoa của lịch sử Phật giáo. Hệ tư tưởng Phật giáo, nhân tài theo Đạo Phật, đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc, có nhiều giai đọan quyết định cả vận mạng dân tộc lúc bấy giờ.

( Tham khảo tập sử liệu “ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ”do Ngô Sĩ Liên biên soạn dưới triều đại nhà Hậu Lê ( Lê Lợi ) ta thấy rất rõ nét những sự việc của Phật Giáo xen lẫn với các sự việc của đất nước. Điều đó nói lên hệ tư tưởng Phật Giáo  chỉ đạo cho đời sống của dân tộc trong giai đoạn này. Đó là đem Đạo, giáo hóa đời và ngược lại đem đời nhập hóa vào Đạo ).

Trong phần này chia làm 4 giai đoạn phù hợp với 4 triều đại lịch sử dân tộc cho dễ hiểu.

1.  Phật giáo thời đại nhà Đinh :

Trong triều đại nhà Đinh Phật Giáo được quan tâm là do sức đóng góp của các danh Tăng. Vua Đinh định phẫm trật cho hàng Tăng Sĩ, đó cũng là thời kỳ đầu tiên hàng giáo phẩm Phật Giáo Việt Nam có danh vị: vào năm Tân Mùi ( 971 ) vua Đinh Tiên Hoàng chế định chức sắc hàng quan lại triều dình, kể cả hàng Tăng sĩ  lỗi lạc của Phật giáo, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư. Pháp Sư Trương Ma Ni làm Tăng Lục, giới văn nhân trong nước hầu hết ở trong hàng Tăng Sĩ.

2.  Phật giáo triều đại nhà Lê :

Vua Lê Đại Hành lên ngôi, cho dù việc chính trị trong nước có thay đổi, nhưng Phật Giáo cứ phát triển mạnh hơn. Vua Đại Hành tiếp tục phong Ngài Ngô Chân Lưu làm Tăng Thống, và bất cứ việc gì trong nước Vua đều hỏi ý kiến Tăng Thống.

Năm 963 Vua Đại Hành sai sứ đi thông hiếu với nhà Tống, đã thỉnh 2 bộ kinh về truyền bá trong nước, đó là Cửu Kinh và Đại Tạng Kinh.

Trong giai đoạn này, Tăng Sĩ Phật Giáo còn một vị nổi danh nữa là Pháp Sư Đỗ Thuận. Pháp sư được làm sứ giả đón tiếp sứ thần nước ngoài ( Chuyện Lý Giác ) và hổ trợ cho Vua Lê Đại Hành trong việc “ vận trù định sách ” với trách nhiệm chính trong vai trò đối ngoại của triều đình.

3.  Phật Giáo triều đại nhà Lý :

Vua Lý Thái Tổ là con nuôi Sư Lý Khánh Văn, là học trò Sư Vạn Hạnh, do đó bản thân nhà vua là một Phật tử thuần thành. Người xây dựng triều Lý đã đem học thuật và tư tưởng Phật Giáo vận dụng vào việc cai trị đất nước, vì vậy Phật Giáo vào thời nầy trở thành Quốc giáo.

Vua Lý Thái Tổ đặt nền móng phát triển đạo Phật, xây chùa tạc tượng, đúc chuông, truyền bá chánh pháp cho con cháu đời đời noi theo.

Suốt 215 năm Lý trị vì đất nước, Phật Giáo cũng sản sinh nhiều Tăng tài nổi danh nhờ các cống hiến to lớn như của các nhà sư  như : Thiền Sư Vạn Hạnh, Thoại Linh, Viên Chiếu… Các dòng Thiền được hình thành và phát triển như : Dòng Thiền thứ nhất của ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi ( 560 ). Dòng Thiền thứ hai của Ngài Vô Ngôn Thông ( 820 ), phái Thảo Đường ( 1060 )…

Năm 1224, vua Lý Huệ Tôn xuất gia ở chùa Chân Giáo lấy hiệu là Huệ Quang Đại sư.

Suốt triều Đại nhà Lý hơn 2 thế kỷ, Phật giáo hòa nhập trọn vẹn trong đời sống của toàn dân.

4.  Phật giáo triều đại nhà Trần :

Đó là thời kỳ vẻ vang và phát triển rất mạnh. Đâu cũng có chùa, có Phật để tín đồ chiêm bái. Tăng đoàn mạnh đến nỗi triều đình phải tổ chức các khoa thi để loại bớt. Phật Giáo chấn hưng khoảng 100 năm đầu, rồi dừng lại, bởi sự phát triển quá đà nên mê tín dị đoan và thoái bộ.

Trong thời đại này, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được xiển dương. Vua Trần Thái Tôn đã mở đầu bằng “ Thiền môn chỉ mãn ” và “ Khóa Hư ” để rồi vua Trần Nhân Tông xuất gia khai sáng phái Trúc Lâm. Phật Giáo đời Trần sản sinh nhiều danh Tăng và cư sĩ tên tuổi như : Tuệ Trung Thượng Sĩ ( Trần Quốc Tảng ), Pháp Loa, Huyền Quang. . .

Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang được xưng tụng là Trúc Lâm Tam Tổ.

III. TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ĐƯƠNG THỜI :

1.  Tư tưởng dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi :

Qua các triều đại Đinh Lê Lý Trần, dòng Thiền thứ nhất ViệtNamvẫn tiếp tục phát triển. Hệ tư tưởng chính của phái nầy là :

a.  Bản chất của Giác Ngộ là Bồ Đề, Kinh căn bản của Thiền Tông đương thời :

–     Quán nội giới của thân là không.

–     Quán ngoại giới của thân là không.

–     Không bị chấp trước vào Nhất Thiết Trí.

–     Không chấp trước vào phương tiện tu hành.

–     Không bị chấp trước vào các địa vị tu chứng của các vị Hiền Thánh.

–     Không chấp trước vào sự thanh tịnh đạt được do hành đạo lâu ngày.

–     An trú Bát Nhã Ba La Mật.

–     Không bị chấp trước vào công việc giảng luận giáo hóa.

–     Quán các chúng sanh phát khởi Từ bi và lòng lân mẫn.

b.  Tư tưởng Phật giáo :

Qua Kinh Tổng Trì, Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một trong những Thiền sư lừng danh từ Tâm An sớm nhất trong lịch sử thiền. Kinh mật giáo “ Đại Phật ” nói : Đối với mọi lời giáo huấn của Phật, không gì là không nắm được tinh yếu, nếu có thể giữ gìn được tâm ấn ấy để mở rộng tất cả pháp môn, đó gọi là người thông đạt được cả Tam Thừa. Tâm ấn ở đây là tinh yếu mật ý của Mật tông.

Theo mật giáo, trong vũ trụ có làng ẩn những thế lực siêu nhiên, nếu ta biết sử dụng những thế lực siêu nhiên, thì có thể đi rất mau trên con đường giác ngộ thành đạo, khỏi phải tuần tự từng bước. Sự giác ngộ có thể thành đạt ngay giờ phút hiện tại. Sử dụng các thế lực thần linh , sử dụng thần chú ấn quyết các hình ảnh Mandàla có thể hỗ trợ đắc lực cho sự thiền quán hành đạo.

Chính vì khuynh hướng nầy của Mật Giáo mà Phật Giáo đã bao trùm tín ngưỡng dân gian ViệtNamđương thời.

2.  Tư tưởng dòng Thiền Vô Ngôn Thông :

Kéo dài ba triều đại Đinh, Lê, Lý, chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Trung Hoa, được thấy trong lối trình bày lịch sử Thiền, trong các tổ chức tu viện, trong việc sử dụng thoại đầu.

Các Thiền sư trong Thiền phái này thay gì tu tập theo kinh Bát Nhã, họ đã thu nạp rất nhiều kinh điển khác như : Viên Giác, Pháp Hoa…… Các Thiền sư chủ trương đốn ngộ và vô đắc. Ảnh hưởng của Mật Giáo còn thấy trong hệ tư tưởng của dòng Thiền nầy.

3.  Tư tưởng Thiền phái Thảo Đường :

Thiền sư Thảo Đường là đệ tử đắc pháp của Thiền sư Tuyết Đậu thuộc thiền phái Vân Môn, do đó tư tưởng của Thảo Đường được xuất xứ từ Vân Môn, mà tác phẩm trọng yếu là tập “ Bích Nham ” và “ Tuyết Đậu Ngữ Lục ”. Chủ trương của Thảo Đường là Thiền học trí thức và thi ca, không chú trọng về tà thuật huyền bí.

4.  Tư tưởng phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử :

Thiền phái Trúc Lâm bao gồm hệ tư tưởng của ba thiền phái có trước, phát triển rất mạnh tư tưởng được lược sau :

Sự quan trọng của tâm học, chủ trương sự tu học chứng ngộ cần được căn cứ trên nền tảng học vững chắc mới thàng tựu được. Tâm học gồm như : Tâm lý học tức là Duy Thức học. “ Khi chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức tiếp xúc nhau sự gì xảy ra ? Khi ấy cả chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức đều không còn. Tâm thức của ta vô thường, thay đổi sinh diệt trong từng sát na, thì làm sao có một chủ thể thường tại để mà tiếp xúc với đối tượng ? Tuy vậy, sinh các hiện tượng sinh, diệt là các hiện tượng diệt, còn đối tượng chứng ngộ thì không bao giờ có sinh diệt ”

Như vậy là đừng tìm quả vị giác ngộ như một đối tượng của nhận thức : Quả vị giác ngộ phải được thực hiện ngay trong tự thể của tâm. Mọi tìm cầu bên ngoài đều vô hiệu.

IV. KẾT LUẬN :

Lịch sử Phật Giáo Việt Nam thông qua bốn  triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã ăn sâu vào cội rễ dân tộc, xuyên qua các ảnh hưởng của Phật Giáo đối với tất cả các vấn đề của dân tộc như :

–     Tạo vị trí vững chắc trong lòng dân tộc

–     Chi phối chính trị xuyên suốt 4 triệu đại.

–     Ảnh hưởng sâu rộng trong văn minh và văn hóa dân tộc.

–     Chi phối kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật.

–     Phát triển Tăng đoàn vững mạnh, hệ thống tu viện thanh tịnh.

–     Dịch thuật, biên soạn rất nhiều kinh sách Phật Giáo.

–     Về tư tưởng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Trung Hoa.

–     Phát triển Tịnh Độ Tông.

–     Chịu ảnh hưởng của Mật Giáo, thoái hoá dẫn đến mê tín dị đoan.

Bài khác nên xem

Chuyện đạo : Thầy Tỳ kheo và con ngỗng

datthinh

Em tập đánh chuông mõ

datthinh

Nghi thức tụng niệm phổ thông dành cho GĐPT

datthinh