Hàng Đội tự trị

 ( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I – A Dục

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

I. ĐỘI – CHÚNG LÀ GÌ ?

Đội hay Chúng là đơn vị căn bản của Đoàn Thiếu hay Thanh (Đội : Thiếu Nam và Nam Phật tử; Chúng : Thiếu nữ và Nữ phật tử) gồm từ 6 đến 8 người, do 1 Đội, Chúng trưởng cầm đầu và 1 Đội, Chúng phó trợ tá, cùng học cùng sinh hoạt cùng chơi, sống bên nhau trong tình thương yêu của người con Phật. Chung lý tưởng.

II. CƠ CẤU ĐỘI, CHÚNG :

–    Đội, Chúng có từ 5 đến 8 Đội chúng sinh (kể cả 2 Đội, Chúng trưởng và phó).

–    Đội, Chúng được lấy danh hiệu theo thứ tự : Đội, Chúng  SEN VÀNG, SEN TRẮNG, SEN HỒNG, SEN XANH. Mỗi Đội, Chúng có tiếng reo riêng.

III. LẬP ĐỘI – CHÚNG :

Muốn lập Đội, Chúng, người Huynh trưởng phải làm:

1. Chọn và huấn luyện Đội, Chúng trưởng :

Chọn các em tương đối khá lớn có tư cách, có khả năng, huấn luyện về căn bản điều khiển, chuyên môn.

2. Thành lập Đội, Chúng :

Khi đã có đội chúng trưởng rồi Huynh trưởng chia số Đoàn sinh có được ra cho các Đội, Chúng. Đội, Chúng nào cũng đủ mọi hạng lứa về tuổi tác, sức vóc, khả năng, hoàn cảnh.

3. Lập Đội, Chúng kiểu mẫu :

Đội, Chúng kiểu mẫu là Đội, Chúng mà trong đó Đội, Chúng sinh gồm các Đội, Chúng trưởng đang cầm Đội, Chúng và một số em có khả năng sẽ là Đội, Chúng trưởng trong tương lai, Đoàn trưởng và Đoàn phó trực tiếp điều khiển Đội, Chúng kiểu mẫu nhằm mục đích trao cho các em kiến thức, khả năng về chuyên môn nghệ thuật điều khiển để các em nầy hướng dẫn Đoàn có hiệu quả. Công việc nầy có tính cách lâu dài chứ không phải chỉ một giai đoạn ngắn.

IV. MỤC ĐÍCH CHỦ TRƯƠNG HÀNG ĐỘI TỰ TRỊ :

Giáo lý Phật giáo luôn luôn đặt trách nhiệm vào con người về bản thân cũng như gia đình xã hội, vì Phật giáo quan niệm con người là một thực thể hoàn toàn tự do và độc lập, tự tạo cho mình một nếp sống riêng (biệt nghiệp) và cùng liên đới, góp sức xây dựng một nếp sống cho xã hội (cộng nghiệp). Ông Baden Powell, (B.P), ông Tổ của Hướng đạo thế giới đã nói : “ Bất kỳ trường hợp nào, phép hàng đội tự trị, nghĩa là cách cai quản những nhóm nhỏ do một đám trong họ phụ trách, vẫn là phương tiện tốt nhất đi đến sự thành công ”.

Như vậy ta thấy mục đích của Đội, Chúng tự trị là :

–    Tạo cơ duyên để các em giáo dục lẫn nhau.

–    Nêu cao và gây tinh thần kỷ luật, tự giác, đoàn kết.

–    Thực hiện công tác đuợc nhanh chóng, kết quả tốt.

V. CÁCH TỔ CHỨC ĐỘI, CHÚNG TỰ TRỊ :

1. Huấn luyện Đội, Chúng truởng :

Như đã nói ở phần III, mục 1.

2. Phân công :

Huynh trưởng không bao giờ làm một mình tất cả mọi việc, trái lại phân công cho các Đội, Chúng. Các Đội, Chúng trưởng, phó nhận lãnh trách nhiệm, sau đó về truyền đạt lại cho Đoàn sinh trong Đội, Chúng của mình, vạch kế hoạch, phân công lại cho các Đoàn sinh (nguyên tắc của hàng đội tự trị là mỗi người một việc). Sự phân công nầy phải chính xác, rõ ràng, công bằng và hợp lý.

3. Kiểm soát, đôn đốc :

Sau khi đã phân công cho các Đội, Chúng, người Huynh trưởng phải theo dõi kiểm soát một cách khéo léo, đôn đốc một cách tế nhị.

4. Giữ vững tinh thần Đội, Chúng :

Để Đội, Chúng tự trị có hiệu quả, người Huynh trưởng phải luôn luôn biết giữ vững tinh thần Đội, Chúng bằng cách :

–    Không trực tiếp tham dự việc làm của Đội, Chúng.

–    Nếu cần phải sửa chữa những sai lầm thiếu sót thì phải tế nhị, linh động, bình tĩnh.

–    Tin cẩn và thành thật với Đội, Chúng trưởng và phó.

5. Sinh hoạt Đội, Chúng tự trị :

Mỗi tháng dành 3 (hoặc 2 buổi) cho Đội, Chúng tự trị sinh hoạt, không sinh hoạt Đoàn, thực hiện theo chương trình chung của Đoàn nhưng chương trình chi tiết do Đội, Chúng trưởng và phó tự vạch định, anh Đoàn trưởng chỉ góp ý ( Điều nầy các em đã được học ở Anoma-Niliên ).

VI. HỌP HỘI ĐỒNG ĐOÀN :

Hội đồng Đoàn có tác dụng rất quan trọng, hiệu nghiệm trong phương pháp hàng đội tự trị vì đã gây sự hãnh diện và khích lệ cho Đội, Chúng trưởng và phó về vai trò của mình, tạo sự cảm phục của Đoàn sinh đối với Huynh trưởng và Đội, Chúng trưởng, phó. Lại nữa chính Hội đồng Đoàn đã gây cho Đội, Chúng trưởng tinh thần ganh đua trong trách nhiệm và xây dựng công việc chung của Đoàn của Gia đình chứ không phải tranh dành nhau, ganh ghét nhau. Hội Đồng Đoàn là cuộc họp gồm có Đoàn trưởng, các Đoàn phó, tất cả Đội Chúng trưởng và phó để thảo luận kế hoạch, phân công hay rút ưu khuyết điểm sau một công tác đã thực hiện.

VII. KẾT LUẬN :

Đội, Chúng có những hoạt động riêng như Trại, Công tác xã hội, Du ngoạn ( gọi là ngày đi của Đội, Chúng ), có cơ cấu, tổ chức hẳn hoi, có sổ sách, hành chánh, có góc Đội, Chúng có sinh khí, thành công tốt đẹp. Vì thế người Huynh trưởng phải ý thức rõ vai trò của Đội, Chúng, khuyến khích tạo cơ hội, áp dụng triệt để phương pháp Đội, Chúng tự trị, hầu Đoàn của mình ngày mỗi tiến mạnh, công việc mình đỡ nặng nhọc, mục đích giáo dục được thành công .

Chú ý : Không phải luôn luôn các em được dự vào Hội đồng Đoàn. Mà chỉ được anh Đoàn trưởng mời. Nếu phiên họp Hội đồng có mục phê bình, kiểm điểm Huynh trưởng thì không mời các em Đội, Chúng trưởng và phó tham dự.

Bài khác nên xem

Lễ Húy Kỵ Lần Thứ 19 Huynh Trưởng Cấp Dũng Tâm Đạt Nguyễn Văn Bạo

phuocthanh

Kỷ luật Đội Chúng

datthinh

GĐPT BÀ RỊA VŨNG TÀU tổ chức Liên trại huấn luyện Huynh trưởng A DỤC 12 – LỘC UYỂN 18 NĂM 2021

Tâm Lễ