Em tập đánh chuông mõ

( Tài liệu Tu học Ngành Đồng – Bậc Chân Cứng

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2004 – PL 2548 )

 

I. Chuẩn bị :

Mượn bộ chuông mõ nhỏ ở chùa.

II. Giờ học :

1.  Em nghe :

Chuông mõ giúp cho buổi lễ Phật, tụng kinh được nghiêm trang, đều đặn và tạo được sự thành kính, thanh tịnh. Muốn đạt được ý nghĩa trên cần phải đánh chuông mõ thật đúng cách.

a.  Trước khi lễ :

Hai đoàn sinh được chỉ định thủ sẵn chuông mõ vào chánh điện lau chùi, dọn dẹp bàn thờ Phật, Bồ Tát, Tổ cho sạch sẽ và ngăn nắp. Đốt nến, thắp hương cho mỗi lư hương và thắp riêng 3 nén hương dành cho vị chủ lễ.

Hai đoàn sinh thủ chuông mõ đứng đối diện, nhìn thẳng nhau chứ không nhìn vào bàn Phật. Nhìn vị chủ lễ để theo dõi khi đánh chuông mõ.

Đánh một tiếng chuông thong thả để tất cả đoàn sinh và Huynh trưởng vào chánh điện. Khi chủ lễ niệm tịnh pháp giới và tịnh tam nghiệp xong, chuông đánh 1 tiếng để tất cả cùng xá.

b. Trong khi lễ :

–   Chủ lễ niệm hương :

Đánh 1 tiếng chuông sau mỗi bài Cúng hương, Tán Phật.

Sau mỗi câu đảnh lễ, đánh 1 tiếng chuông, tất cả đều lạy.

–   Khai chuông mỏ :

          Chuông đánh 3 tiếng rời              o   o   o

          Mõ đánh 7 tiếng (4 tiếng rời, 2 tiếng liên tiếp, 1 tiếng rời)   x  x  x  x       x  x      x

          Chuông mõ: 1 tiếng chuông, 1 tiếng mõ (3 lần)          o  x    o  x    o  x

          Mõ : 1 tiếng rời, 2 tiếng liên tiếp, 1 tiếng rời        x       x  x      x

          Chuông nhập cùng lúc với tiếng mõ cuối.

     (   o  o  o,      x x x x    x x    x,    o, x,   o, x,    o, x,       x x       x x      x o )

–   Tụng bài sám hối :

          Mõ đánh tiếng thứ 2 ( Đệ tử ) chờ tiếng xướng của người chủ lễ, đánh tiếng thứ 4 (kính lạy ) rồi đánh đều từ tiếng thứ 5 trở đi.

          Chuông đánh một tiếng sau câu “… thành tâm sám hối ”

          Mõ đánh thúc 2 tiếng ở tiếng áp cuối (Phật) và nhập ở tiếng cuối (đạo).

          Chuông đánh 1 tiếng khi còn 3 tiếng dứt bài.

–   Tụng danh hiệu Phật, Bồ Tát, …

Mõ cũng đánh theo người chủ lễ bằng cách vào ở tiếng thứ hai và tư, kết mỗi bài đều đánh thúc 2 tiếng ở tiếng áp cuối và nhập ở tiếng cuối.

Chuông đánh trước 1 tiếng trước khi kết thúc mỗi bài tụng hoặc mỗi câu Tự quy y.

–   Chấm dứt buổi lễ :

Chuông đánh 3 tiếng rời.

Vị chủ lễ đánh chuông cho 2 đoàn sinh thủ chuông mõ lễ Phật ( 3 lạy ).

c.  Sau khi lễ :

Đoàn sinh rời chánh điện trong im lặng và trật tự.

Hai em thủ chuông mỏ tắt đèn quạt, … dọn dẹp xong ra sau cùng.

2.  Em thực hành :

Huynh trưởng chia đoàn sinh học đánh chuông mõ thành hai hàng ngồi đối diện nhau, 1 hàng đánh chuông, 1 hàng đánh mõ. Huynh trưởng chỉ các em dùng miệng và điệu bộ để tập chung. Sửa chỗ sai, sau đó cho từng cặp thực tập dùng chuông mõ.

Chọn 2 em đánh khá thực tập để các em nhận xét, sau đó chia nhóm ôn lại.

Chú ý : nâng dùi và đánh nhẹ nhàng. Dùi chuông hất nghiêng ở thành chuông, dùi mõ đánh thẳng.

Bài khác nên xem

BHD Khánh Hòa khai khóa bậc Lực – năm học 2016

Huệ Quang GĐPTVN

18 nguyên tắc sống từ Đức Đạt Lai Đạt Ma

phuocthanh

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu thi kết khóa Huynh trưởng Kiên, Trì, Định, Lực

Tâm Lễ

1 comment

Mỹ Nhàn 13/04/2013 at 15:33

Vui lòng cho em hỏi, trong phần Khai Chuông Mõ của bài học này có ghi: Mõ đánh 7 tiếng ( 4 tiếng rời, 2 tiếng liên tiếp, 1 tiếng rời).
Nhưng em đọc trong phần “Sử dụng chuông mõ” (trang 9) của quyển Nghi Thức Tụng Niệm Của Gia Đình Phật Tử (NXB Tôn Giáo) thì có ghi “- Cách thức đánh chuông mõ:

Mõ đánh ba tiếng từ từ rồi hai tiếng mau tiếp hai tiếng vừa”.
Xin hỏi nên hướng dẫn các em như thế nào?
Xin cảm ơn quý anh chị.

Comments are closed.