Đi Qua Cơn Bão

Hôm nay ngày 1 tháng tư, 2012 – Ngày chủ nhật cũng nhằm ngày nói “dóc” quốc tế, ở Việt Nam đa số các em học sinh hay những nhân viên của các công ty có quan hệ với nước ngoài mới biết ngày này nhưng vẫn có những trường hợp phải dặn đi, dặn lại công việc với vẻ mặt nghiêm trọng không thôi người ta tưởng mình nói giỡn là nguy to.

“Có một cơn bão đang đi vào biển đông, gió cấp 8 – Từ Phú Yên đến Cà Mau đều bị ảnh hưởng sẽ đổ bộ lên đất liền trưa ngày 1/4/2012 – yêu cầu tàu thuyền trở về neo đậu vào bến bãi an toàn…” thông báo này đã loan đi từ ngày hôm trước đến ngày 1 tháng 4 tiếp tục có hiệu lực – không ai dám nói tin này là “dóc” vì càng lúc mưa càng nặng hạt và đến chiều thì gió giật đùng đùng.

Người thành phố có vẻ như không sợ những cơn bão như thế này vì hiếm khi có những thiệt hại lớn lao khi bão tố đi qua. Chỉ ngại nhất là những con đường biến thành con sông, khi mưa lớn và triều cường làm xe chết máy, hay những cơn gió giật liên hồi, thổi bay những mái tôn và những nhành cây trên cao “phang” xuống bất ngờ.

Các bạn biết không! Đúng ngày này gia đình Phật tử chúng tôi đang tổ chức trại vượt bậc tại chùa Tôn Thạnh Cần Giuộc cách thành phố khoảng 28 Km. Mưa  từ khuya đến sáng, từ sáng sớm đến trưa lúc lớn, lúc nhỏ, lúc tạnh đến 3 giờ chiều thì chưa có chuyện gì xảy ra, chỉ làm cho chương trình trại  chậm trễ vì thời tiết ẩm ướt thôi. Nhưng đến 3:30 thì mưa lớn và gió thổi càng lúc càng mạnh từng cơn không dứt, chuyến trở về sẽ rất gay go đây. Bên ngoài từ loa phóng thanh địa phương đến các băng tần radio phát tin báo bão kêu gọi người dân gấp rút trở về nhà. Thế mà chúng tôi phải quay về thành phố suốt trong cơn bão ấy, chúng tôi, huynh trưởng và ngành thiếu chở các oanh vũ chạy xe gắn máy đi trong mưa giông. Thật ra, chúng tôi đã từng đi trong cơn giông bão như thế mà trưởng thành nên không ngại gì khi chở nhau đi xuyên qua cơn bão để đến nơi mình muốn, có điều cái cảm giác của mỗi lần đội mưa tầm tã, gió giật liên hồi đều có khác nhau.

Xe chạy ra đường thôn quê lúc này  xe cộ chỉ thưa thớt, mưa như ngàn vạn mũi tên rát mặt dội vào mũ bảo hiểm làm áp lực giật các dây quay. Hình như phía sau tay trái chúng tôi có một số vật thể lạ đang bay ngược chiều là đà trên đồng ruộng, những mái tôn bị gió giở  lật từng chùm, chừng về mới nghe có 178 nhà dân ở Cần Giuộc bị tốc mái. Chúng tôi cố gắng chạy cẩn thận cho đến khi trở vào trung tâm thành phố hy vọng sẽ nương vào “ma trận” là các dãy buiding cao tầng sẽ ngăn chận được tốc độ của bão đi. Xe qua cầu Nguyễn Tri Phương bị lọt vào khoảng không trên sông, lúc này giông bão đang hoành hành ở đó nâng bổng chúng tôi từng cơn, cả áo mưa cũng bị gió tốc lên để nước xối vào cho ướt đẫm, qua được bên thành phố rồi thì cảnh tượng càng tan hoang hơn. Các bàn tay “hung thần” đã nhổ bật từng gốc cây cổ thụ chắn ngang đường, đến chiếc xe Taxi cũng bị bão quăng “lật gọng” hay cây đè dẹp nát không thể tránh đâu, nghe nói có đến 400 gốc cây trong thành phố bị gãy đổ và 5 chiếc taxi Mai Linh bị cây đè chiều hôm đó. Về gần đến nhà thì nước ngập mênh mông, các “lô cốt” công trường che chắn đường đi và ngâm sâu trong nước, xe chết máy phải vào lề “đánh lửa” trong mưa.

Cái cảm giác cùng tâm trạng đi qua một cơn bão ngày nay đã khác xa thời trai trẻ. Thời trai trẻ với bao xung động, thách đố không sợ với lòng nhiệt thành làm sôi bầu nhiệt huyết không ngại gì giông gió mà lao tới, bây giờ đã già với bao kinh nghiệm sống nên để lòng cứ bình thản đi qua và biết mình phải vượt qua chứ không thể  núp gió ở đâu được. Gió lạnh, ướt đẫm, nước ngập, cây đổ nó cứ diễn ra trước hay sau mình mà phải chấp nhận chúng như những cơn thử thách giữa cuộc đời.

Sống giữa cuộc đời ai nấy đều có lúc phải vượt qua những cơn bão như vậy, có thể nói chúng đã góp phần tôi luyện cho mỗi nhân cách được thành toàn. Tuy nhiên, những cơn giông bão quét qua sinh hoạt Gia Đình Phật Tử  gần 40 năm khó khăn vẫn chưa dứt bởi vì một khái niệm trẻ con có cần phải đến chùa học  Đạo hay không chưa được nhất ý lắm, vì chúng ta chưa làm cho người ta thay đổi cách nhìn về một đạo Phật nhập thế tích cực bằng hoạt động, đạo đức và niềm tin của tuổi trẻ để xây dựng một xã hội đạo đức hướng thượng hơn.

Đức Quảng

Bài khác nên xem

ĐẠO PHẬT DÀNH CHO AI?

Tâm Lễ

Giá Trị văn hoá của ngôi Chùa

phuocthanh

Câu chuyện về hai vị Thiền Sư

phuocthanh