Câu Chuyện Lửa Tàn Trại Huyền Trang 2

Câu Chuyện Lửa Tàn Trại Huyền Trang 2

 Web Cau chuyen lua tan

Đêm nay chúng ta được ngồi cạnh nhau trong đêm lửa tàn của trại Huyền Trang. Số tuổi của các anh chị ngày nay đã thuộc về “Tam thập nhi lập” chững chạc, điềm tĩnh hơn thời thanh xuân tráng chí đang dần qua – sắp sửa kề vai gánh lấy trách nhiệm nặng nề hơn, trách nhiệm lãnh đạo một đơn vị Gia Đình Phật Tử nên những điều chúng tôi sắp nói đây cũng sẽ rất quan trọng, rất lợi ích cho những người huynh trưởng lớn.

Quý anh chị đã học qua công hạnh của Ngài Huyền Trang đã biết sự hạn hẹp của Phật Giáo Nam truyền – Chỉ có các vị Tỳ kheo mới có thể tu chứng thánh quả, nhập hữu dư y Niết bàn, Phật Giáo Nguyên thủy không công nhận chúng Tỳ kheo ni, và hàng Phật tử tại gia chúng ta cũng không có khả năng chứng quả như các sư… Mặc dù lúc đó Thiền tông đã xuất hiện nhưng tông này “dĩ tâm truyền tâm” thuộc về đốn giáo, không có nhiều kinh điển do Phật thuyết các hội Đại thừa nên Ngài Huyền Trang phải phát nguyện lên đường Tây du cầu học. Từ khi các tạng kinh Đại thừa được phổ truyền thì Phật Giáo chúng ta mới thêm một niềm hỷ lạc là “Tứ chúng đồng tu”.

Tuy nhiên, hạnh xuất gia vẫn là một hạnh nguyện vĩ đại, chư vị tỳ kheo đã “Cát ái từ thân” vẫn dễ dàng tu hành và chứng đạt giải thoát hơn hẳn hàng Cư sĩ tại gia gấp ngàn vạn lần. Còn hàng Cư sĩ chúng ta phải đối mặt với gia đình, xã hội, công việc, họ hàng, bằng hữu… bằng tâm tư đối đãi trăm mối ngổn ngang lúc vầy lúc, khác làm sao cho phải, cho xứng…đồng thời làm sao thảnh thơi mà cầu giải thoát được đây!

Thế gian vốn không có sự công bằng nên mới cần chất liệu của tâm từ bi, của lòng bác ái. Tình thương cá thể vốn sẵn sự thiên vị nên mới cần lòng vị tha quảng đại. Những người tỏ ý chí muốn tìm cầu hạnh phúc cho số đông, cho chúng sinh đồng loại được bình đẳng, được công bằng qua các gương sáng của những vĩ nhân như thánh Mahatma Gandhi tranh đấu bất bạo động thành công cho Ấn Độ rồi bị ám sát, hay Nelson Madela, tổng thống Nam Phi phải chịu tù đày 27 năm, hoặc Mục sư Luther King tranh đấu cho màu da sắc tộc tại Mỹ  rồi bị giết hại…..và còn rất nhiều vĩ nhân đã tranh đấu đòi hỏi sự công bằng cho số đông và cái giá phải trả dĩ nhiên rất lớn lao để xã hội ngày nay có một diện mạo mới về sự tiến bộ của sự công bằng, bình đẳng, tự do về nhân quyền. Khi diện mạo mới chân chính xuất hiện thì Ma vương cũng biến tướng muôn hình cho phù hợp với các diện mạo đó với vẻ ngoài hợp pháp, hợp lý và chẳng bao lâu đã làm “méo mó” các diện mạo chân chính ấy.

Thật ra, thế gian vốn không có “Tự do” thực sự bởi khi sinh ra và tới lúc chết đi người ta đã bị lệ thuộc, thậm chí làm nô lệ cho nhiều thứ. Do ngũ dục mà sinh tâm ám muội; do tình cảm quyến luyến mà không nỡ chia xa; do đồng tiền bát gạo mà cuồng tâm bạo tính… Chỉ có Phật và chư Bồ tát mới đạt đến trạng thái Tự do tuyệt đối của tâm thức, tức Niết Bàn thấy rõ sự ràng rịt của 18 giới, chỉ ra sự giả hợp của thất đại và vũ trụ này hay hằng sa vũ trụ khác cách nhau chỉ trong sát-na trong khi những vị A La Hán đắc lục thần thông như Đại Mục Kiền Liên hay Xá Lợi Phất một sát na chỉ vượt được 18.000 dặm, cũng chưa qua khỏi tam giới hữu vi.

Thuở nhỏ chúng ta nhìn mây trời phiêu bồng trên cao, có khi mình ước làm mây nhưng đâu biết mây chưa từng vượt khỏi thượng tầng khí quyển; có khi ước làm chim bay xa nhưng đâu biết chim cũng chỉ bay trên lưng chừng qua khỏi mặt đất để thu ngắn không gian và thời gian của bộ hành. Những việc này nhân loại ngày nay đã thực hiện được như phi thuyền, máy bay… và sự trả giá cũng rất đắt đỏ về tài nguyên, môi trường, công sức, phí tổn……

Khi kinh điển Đại Thừa được phiên dịch phổ biến thì hàng Cư sĩ chúng ta mới  thấm nhuần ân phước của đức Phật, biết rằng “Phật Pháp bất ly thế gian giác – Ra khỏi thế gian để tìm cầu giải thoát ví như đi tìm lông rùa sừng thỏ không thật mà thôi” Chúng ta phải thường xuyên đối diện và sống với sự thương ghét, hoảng sợ, giả dối, mâu thuẫn, ân oán, tranh đấu của đời thường giống như đức Thích Ca đối diện với vô số Ma quân trong đêm Thành Đạo.

Nếu là những hành giả Đại Thừa với tâm nguyện lớn ta phải chấp nhận sự thật để chuyển nguy thành an, chuyển bại thành thắng, “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi – Hãy tự thắng lấy mình”. Chấp nhận sự thử thách của bạn bè đồng nghiệp, đồng sự xấu ác nơi cơ quan, công ty, thôn xóm, trường đời…; Chấp nhận sự thử thách của mẹ chồng, em dâu, nhà vợ, họ hàng;  chấp nhận sự thử thách của hung hăng, hiếu thắng hay cằn nhằn, phiền trách hay bất hiếu phá của trong đời sống gia đình vợ chồng con cái để  tìm ra cái “Niết Bàn đích thực” ngay trong đời sống này. Ba tạng kinh đại thừa tiệm giáo tựu trung sự khiển dụng Ngũ Ấm Ma hàng phục trong bài Tâm Kinh Bát Nhã gồm 260 từ do Huyền Trang Pháp sư dịch:

Sắc Uẩn = Không: Sắc diệt

Thọ Uẩn = Không: Thọ diệt

Tưởng Uẩn = Không: Tưởng diệt

Hành Uẩn = Không: Hành diệt

Thức Uẩn = Không: Thức diệt

Diệt độ tức là trạng thái yên lắng hoàn toàn của sự tỉnh thức và giải thoát. Vì trong đời sống thường nhật ta gặp nhiều chướng ngại thử thách như vậy nên ta có nhiều cơ hội ra tay tranh đấu với Ngũ Ấm ma trong ta, bắt chúng phải hàng phục. Hàng phục chúng bằng cách xả ly, buông bỏ những ưu phiền vướng mắc trong tâm tưởng. Một giờ được rồi thì hai giờ, hai giờ được rồi thì ba giờ, ba giờ được rồi thì bốn giờ….Cho đến 24 giờ sống tinh khôi trong niệm xả thì ta được một ngày tinh khôi. Một ngày được rồi thì hai ngày, hai ngày được rồi thì ba ngày… cho đến bảy ngày “nhất tâm bất loạn” thời sẽ giải thoát mọi sự phiền não khổ đau.

Nếu có lúc ta yếu đuối thiếu kiên trì hỷ xả thì hãy niệm câu thần chú trong Bát Nhã tâm kinh. Đọc hoài cho đến khi buông được mới thôi:

– Yết đế Yết đế Ba la yết đế Ba la tăng Yết đế Bồ Đề tát bà ha.

– Gate Gate Paragate Parasam gate Bodhi Svaha

– Going, going, going on beyond, always going on beyond, always becoming Buddha.

– Qua đi qua đi qua bờ bên kia vượt qua hoàn toàn tuệ giác thành tựu.

Nếu gặp lúc nguy cấp chúng ta phải tâm niệm thiết thực hơn:

– Buông ra, buông ra, buông khỏi lòng ta, buông ra hoàn toàn, không còn phiền não.

– Tha đi, tha đi, mở tâm bao la, dung chứa hết vào, không buồn phiền chi.

Đến chừng ấy chúng ta sẽ cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những người đã gây cho chúng ta đau khổ và từ đau khổ ấy chúng ta đứng lên làm người giác ngộ.

Khi mê thì thấy ta đứng bờ bên này – Lúc tỉnh thì ta đã đến bờ bên kia. Chúng ta thấy bên này hoặc bên kia chỉ là khái niệm dẫn đường.

Bây giờ anh chị em chúng ta cùng đọc câu thần chú bằng âm Hán ba lần và Phạn ngữ ba lần trước khi kết thúc Câu Chuyện Lửa Tàn.

Đức Quảng

 

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Đồng Nai tổ chức bế mạc Liên Trại Huyền Trang 4

phuocthanh

Vai trò ngôi chùa trong việc giáo dục thanh thiếu niên

phuocthanh

Đức tin của người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử

datthinh