Câu Chuyện Lửa Tàn 4: Học Làm Mục Tử

Học làm Mục tử  chăn trâu.

trau-vo-hoc

Kính thưa quý anh chị,

Cùng các em thân mến.

Hôm nay chúng ta sẽ không nói đến nhân quả, nghiệp báo nữa – Có khi quý anh chị nghĩ rằng đề cập nhiều đến vấn đề này  làm cho chúng ta sợ hãi như là bị răn đe. Đức Phật cũng có nói trong nhiều bộ kinh, bởi vì chúng sinh nơi cõi Ta Bà này quá kiên cường, ngang ngạnh nên phải thường thuyết về quả báo của  địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Ở bậc Trì, huynh trưởng sẽ nghiên cứu sơ lược về Mười bức tranh chăn trâu (Thập mục ngưu đồ), đây là lối trình bày độc đáo của Phật Giáo Trung Hoa – thay vì viết ra thành văn bản người xưa sẽ vẽ hay chạm khắc lên tường vách những hình vẽ thô sơ như những bức tranh trong vòng tròn có in trong sách. Người biết đọc chữ thì có thể viết và trình bày những lời văn vẻ, ý tứ cao xa, thậm chí làm ra những bài thơ đề vào họa có vần có điệu. Nhưng những Mục tử chăn trâu vốn không biết chữ và cũng không thích văn nghĩa rườm rà  nên chỉ cần nhìn vào bức hình vô ngôn mà liễu nghĩa vậy.

Bức tranh thứ nhất vẽ mục đồng ngớ ngẩn nhìn quanh có tên là Tầm Ngưu – Tìm trâu. Tại sao phải tìm trâu, tìm trâu để làm gì? Đã nói Mục đồng là kẻ chăn trâu mà mất trâu thì lấy gì mà chăn nên phải đi tìm trâu. Chuyện gì xảy ra khi chứng kiến cảnh ruộng mạ, hoa màu bị trâu đạp phá! Bởi vì sau những cơn nộ giận là tan hoang, sau những khi si mê là đau khổ, sau những phút ganh tỵ thành dục động, ở những giây tham lam là muốn đoạt của người….Hồi hộp, kinh sợ, oán hờn, bực tức, đau khổ cứ xâm chiếm lấy tâm hồn sau những sự kiện dù nhỏ, dù lớn làm ta luôn phiền não suy tư, u mê lầm lạc vào Khổ thọ. Nay đã là Phật Tử, nhận diện được sự phiền não, khổ đau luôn thường trực trong đời sống không biết khởi từ đâu mà cứ ra tay tàn phá vùng tâm thức của mình và người cho nên ta phải quyết tâm đi tìm trâu, tìm ra kẻ đã phá hoại hung tàn ra tay rồi lẩn trốn mất.

Bức tranh thứ nhì có tên là Kiến Tích, vẽ Mục đồng thấy dấu chân trâu trên đất vui mừng lần theo những vết ấy mà tìm trâu. Thì đây khi trong tâm ta hiện khởi những dấu hiệu bất thường như vui mừng, đắc thắng, thỏa mãn thì không nói làm gì bời vì đó là những trạng thái của Lạc thọ nên không lấy gì làm đau khổ, đến chừng mất mát, thất bại, bị đâm thọc, bị nhục mạ, chê bai, thất tình, bất ý thì trong tâm thức ta sẽ đưa ra những dấu hiệu phản kháng âm ỉ hay bộc lộ ra ngoài… Đó chính là những vết chân châu đang hằn sâu vào khổ thọ, nếu chăm chú vào nội tại một chút ta sẽ nhận ra ngay. Vấn đề bây giờ là chúng ta có quyết định lần theo dấu vết ấy để bắt con trâu Tâm quay về con đường thuần hóa dưới vòng dây và cây roi huấn luyện của Mục đồng hay không.

Ờ đây chúng ta sẽ không kêu gọi tình thương, không cần chúng ta phải thương ai. Chúng ta chỉ cần mở rộng lòng bao dung để dung chứa nhiều hơn nữa và tập làm sao đừng có ghét những người mình không thương là được rồi. Vì thương yêu theo kiểu phàm tục là thích sở hữu, muốn chiếm hữu mà mặt trái của chúng là ganh tỵ, ghét ghen; chúng ta không chờ đợi những người anh hùng cứu giúp hay những nhà  hảo tâm phóng tiền tài rộng rãi ban bố, chỉ cần sống yên vui, không làm tổn hại tới nhau là được rồi, vì cuộc đời lắm kẻ tiểu nhân, gian tặc mới có người anh hùng; nhiều người bần cùng khốn khổ mới cò những vị hảo tâm nổi tiếng. Nói chung, trong hiện tại chỉ cần đối đãi với nhau tử tế, điều này tuy không khó nhưng đụng chuyện rồi thì mới thấy cá tính của mỗi người và sự tập nhiễm  lâu đời nó điều khiển con trâu lòng xúc phạm lẫn nhau. Chỉ cần khen hay chê vài tiếng là chung quanh mình sẽ có kẻ vui người buồn, kẻ kiêu căng người bực tức. Cuộc đời rối ren từ đây, và các mối nội loạn cũng từ đây – Loạn tâm là mối loạn muôn đời.

Từ đó Mục đồng mới tìm thấy con trâu sau mỗi lần thỏa thích đắc chí  hay hung hăng nộ giận qua bức tranh thứ 3 là Kiến Ngưu – thấy trâu: Ngày Chủ Nhật muốn đi đến chùa nhưng mệt quá ở nhà ngủ đến chiều; Ngày rằm mồng 1 đang ăn chay mà thấy thịt cá hấp dẫn nên không kềm lòng ngã mặn… Con trâu này cần một vòng dây gọi là giới luật để răn mình, là nguyên tắc sống của những Phật tử, sách tấn, thử thách, tu tập là một cây roi làm giáo cụ điều khiển từ hoang dã đến thuần phục, từ buông lung thành chịu phép về sau.

Thương bao nhiêu sẽ ghét bấy nhiêu; đắc chí bao nhiêu thì sẽ dễ suy sụp bấy nhiêu…Muốn thoát khỏi khổ thọ ta phải kiểm thúc được lạc thọ vì chúng đều những trạng thái thiên kiến cực đoan. Chỉ cần chúng ta điều độ quân bình là được rồi. Không làm được người quân tử thì cũng chớ nên thành những kẻ tiểu nhân. Tu là cốt để thực hành chứ hiểu biết nhiều mà không tự điều khiển được mình thì cũng như không.

Nguyên Hoàng

Bài khác nên xem

Tiểu sử Htr cấp Dũng Nguyên Ngộ Trần Quang Hải

phuocthanh

Dấu lối đi ( Chương trình cũ )

datthinh

Hình thức và hiệu lệnh tập họp

datthinh