Câu Chuyện Đầu Ngày – Lễ Phật Đản Năm Nay

Quý anh chị cùng các em thân mến.

Hôm nay là mồng 9 tháng tư âm lịch, đã vào mùa Phật đản rồi đó. Tuần này gia đình sẽ tiến hành tập dượt văn nghệ Phật đản lần cuối trước khi đi trình diễn 3 đêm liền vào ngày 13, 14, và rằm tháng tư tuần tới đây.

Đức Phật đã từng nói rằng có ba thời điểm cúng dường đức Phật là đước phúc đức lớn lao hơn cả đó là cúng dường Phật Đản, Thành Đạo và Nhập diệt cho nên chúng ta nhất tâm cúng dường bằng thi ca, điệu múa làm cho chánh Pháp thêm  rạng rỡ trong ngày Phật đản là một điều rất tốt lành cho hôm nay và mai sau. Đã vào mùa mưa nên tuần này có những dấu hiệu báo những cơn mưa như trút, sẽ rất khó khăn cho những sân khấu ngoài trời vào thời điểm cúng dường văn nghệ, không phải chúng ta chưa từng trải qua trong những mùa Phật đản trước đó nên chúng ta  phải chuẩn bị tâm lý và cố gắng vượt qua những trở ngại tự nhiên đó để hoàn thành phúc báu do mình phát tâm dâng lên đức từ phụ.

Từ Phụ nghĩa là đấng cha lành, một người cha cao cả  chung của 4 loài, Ngài thị hiện nơi cõi đời này vì hạnh phúc của nhân, thiên, của số đông. Chúng ta là Phật tử, là con của Ngài thì thiết tưởng ngày sinh thần (sinh nhật) của cha mình không thể không quy tụ về để kính mừng. Người ta thường nghĩ rằng ngày rằm, nhất là ngày Phật đản thì chúng ta sẽ đi chùa, sẽ trở về nơi mình nương tựa tâm linh bậc nhất, vậy sao chúng ta không về chùa, không góp sức cúng dường ngày Phật đản thì mới lạ! Nghĩa là tất cả chúng ta phải thu xếp mở rộng vườn tâm, không ngại khó khăn để quay về  nơi đức Phật đản sinh cho tâm tư mỗi người được thênh thang sáng sủa chứ!

Trong chương trình học Phật Pháp GĐPT đã có ghi rõ ràng là đức Phật đản sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak, tháng thứ hai theo lịch Ấn Độ, tức là rằm tháng tư âm lịch . Phật giáo Nam tông cho rằng thời gian đức Phật Đản sinh, Thành Đạo, Nhập diệt đều là ngày trăng tròn tháng Vesak nên còn gọi là Tam Hợp; riêng Phật giáo Bắc Truyền thì  chỉ công nhận ngày trăng tròn tháng Vesak là Phật đản sinh mà thôi. Như vậy Phật Giáo Nam, Bắc tông gặp nhau tại một thời điểm Vesak để cử hành lễ Phật đản chung, nhưng vì những thầy đầu tiên sáng lập Phật Giáo Thế giới thuộc về hệ Nguyên thủy hay Nam tông nên đã chủ trương cử hành lễ Tam hợp chung một ngày trăng tròn Vesak, điều này Phật giáo Bắc tông cũng phải chấp thuận. Đặc biệt, Phật giáo tính Phật lịch từ ngày Phật Nhập Niết bàn thì lễ Tam hợp cũng kỷ niệm ngày Phật nhập diệt, cho nên đến lễ Phật đản Phật lịch mới đổi là như vậy.

Nếu có ai hỏi các em rằng đức Phật đản sinh đã bao nhiêu năm rồi mà các em trả lời năm nay là 2556 là nguy tai! Vì các em quên rằng  Phật lịch chỉ tính từ năm Phật nhập diệt, chúng ta phải cộng thêm 80 năm trụ thế của đức Phật, tức là  2636 năm thì mới đúng. Do đó khi học Phật các em đừng lơ là những chi tiết nhỏ để tránh bớt những sơ sót khi nói về Đạo của mình.

Thế giới ngày nay dù đã rất hiện đại, rất nhân bản, tôn trọng quyền con người, kết hợp nên một  vòng tay ái hữu cứu khổ ban vui nhưng chỉ phần nào xoa dịu những vết thương của chiến tranh, của sự hủy diệt tàn phá, của sự nhẫn tâm và căm thù gây bạo lực trong loài người, nhất là ở những nơi tôn giáo bị kiềm chế hoặc lụn tàn thì nơi đó trở thành những mảnh đất màu mỡ cho sự vô lương tâm, phi đạo đức phát triển…

Trong phiên họp khoáng đại ngày 15 tháng 12 năm 1999, Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết công nhận ngày lễ Vesak là một ngày lễ quốc tế; đồng thời quyết định hằng năm sẽ có các công tác bố trí thích hợp để tổ chức ngày Lễ Vesak tại các quốc gia Phật Giáo với sự cố vấn của các đại diện quốc gia trong Hội đồng. Việt Nam  cũng đã từng đăng cai và được chấp thuận tổ chức lễ Vesak một lần vào năm  2008 tại Hà Nội , chính sự kiện lễ Vesak quốc tế này đã mở đường cho những rừng cờ  Phật giáo vượt ra khỏi các khuôn viên các tự viện để tung bay khắp đường, khắp phố như hôm nay.

Đức Quảng

Bài khác nên xem

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỚI VẤN ĐỀ TRUYỀN THÔNG

Tâm Lễ

Điếu Văn Tưởng Niệm – Trại Phú Lâu Na 1-Trại Vạn Hạnh 5

ducquang

Một kỷ niệm chưa phai mờ theo thời gian.

Huệ Quang GĐPTVN