Cảm nhận từ hình ảnh người Phụ Nữ trong Phật giáo

images

Hình ảnh đầu tiên về người phụ nữ trong Phật giáo được nhớ nghĩ đến chắc phải là Bồ tát Quán Thế Âm, dân gian hay gọi là Phật Bà Quan Âm, nói một cách tình cảm hơn là Mẹ hiền Quan Âm. Dù đã học, đã tin là nữ nhân nghiệp nặng, khi tu tập giác ngộ, muốn thành Phật, nữ nhân phải hóa thân nam trước, dù biết hình ảnh Phật Bà Quan Âm chỉ là hóa thân trong cái nhìn đầy yêu thương và ngưỡng mộ của con người nhưng trong mỗi người, thật sự khó có thể xóa đi bóng dáng nữ nhân khi tạc, vẽ nên hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Từ bi và trí tuệ, lắng nghe và ái ngữ. Chỉ xin dừng ở góc độ này để học theo hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm. Đây cũng chính là hai pháp môn rất quan trọng đưa đạo Phật vào đời sống thế gian, giúp con người giảm nhẹ đi biết bao ưu phiền, tìm được sự an lạc, hạnh phúc không chỉ cho mình mà còn cho người, không chỉ cần trong gia đình tâm linh mà ngay ở trong gia đình huyết thống. Qua lắng nghe và ái ngữ, ta mới có thể chuyển hóa nỗi khổ niềm đau cho chính mình và tha nhân, thực hiện tinh thần “Hiểu và Thương”, tri hành hợp nhất  ngay trong cuộc sống này.

Hình ảnh thứ nhì khi nghĩ về người phụ nữ trong Phật giáo có lẽ xin được dành cho Thắng Man phu nhân. Thắng Man phu nhân là con gái vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi phu nhân, là vương phi của vua Hữu Xứng. Tâm tánh Thắng Man hiền thiện lại có khả năng thuyết phục mọi người. Khi Thắng Man nhận được thư của cha mẹ, với nội dung xưng tán công đức của Như Lai, bà đã ngộ nhập được pháp mầu. Từ tịnh xá Kỳ Viên, Phật không đến và từ nội cung, Thắng Man không đi nhưng sự giao cảm đã đưa đến một cuộc tương phùng hy hữu: Đức Phật xuất hiện giữa hư không, Thắng Man đọc liền một loạt sáu bài kệ ca ngợi phẩm tính siêu việt của pháp thân thường trụ của Như lai, ca ngợi bản thân giải thoát, ca ngợi trí tuệ Như Lai. Tiếp đến, mười Đại thọ được Thắng Man nêu ra chính là mười điều thệ nguyện bất khả tư nghì và ba Đại nguyện với lời kết là Nhiếp thọ chánh pháp như viên ngọc ma Ni vô giá. Có thể khẳng định Thắng Man phu nhân là nhân cách tượng trưng cho tinh thần tuyệt đối bình đẳng của Đại thừa, là thiên chức làm mẹ của Bồ tát. Với chí nguyện và trách nhiệm Đại thừa, đối trước Phật, một nữ Phật tử tự mình nói lên tư tưởng sâu sắc của Đại thừa một cách tự tin, không do dự, không sợ hãi. Đó là tiếng nói của Đại trí, cũng được gọi là “Sư tử hống”. Với  thiên chức làm mẹ, Bồ tát ôm trọn cả thế gian vào trong tấm lòng bao dung trời biển của mình. Thắng Man phu nhân là hình ảnh điển hình cho người phụ nữ thực hành Bồ tát đạo bằng cung cách trang nhã, từ ái, khiêm cung.

Sau hai hình ảnh từ kinh điển, xin được giới thiệu để chúng ta tìm đọc về những Nữ đệ tử điển hình trong hai chúng xuất gia và tại gia mà chương trình tu học của GĐPT có đề cập đến: Ma Ha ba Xa Ba Đề, Liên Hoa Sắc,Visakha… Về hình ảnh thực tế trong Phật giáo Việt Nam, xin được bày tỏ lòng biết ơn đến Sư Trưởng Diệu Không, cây đại thọ của Ni giới Việt Nam với thâm ân đã dành cho chị cả GĐPT lời dạy: Hãy sống với tâm xuất gia trong hình tướng người tại gia. Vâng lời dạy, chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục: dạy học sinh ở thế gian môn Nữ công Gia Chánh và định hướng đi cho Ngành Nữ GĐPT Việt Nam để với hơn 70 năm hình thành và phát triển tổ chức Áo Lam, ngành Nữ tự hào với “50 năm sánh vai phụng sự” qua quy định về sinh hoạt riêng ngành Nam Nữ được đưa hẳn vào Nội quy.

Cuối cùng, xin được nói đến ngành Nữ trong tổ chức GĐPT Việt Nam. Nói  đến ngành Nữ thì hay nói đến từ HẠNH, là nói đến việc làm và tấm lòng. Bởi vậy chúng ta tổ chức lễ hội truyền thống là ngày Hạnh. Biểu tượng noi theo là Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài có ngàn mắt ngàn tay, mỗi bàn tay có một con mắt, mắt đã thấy thì tay làm chứ không phải là miệng nói. Vậy nói đến ngày Hạnh là phải nghĩ ngay đến việc xây dựng cho mỗi thành viên phẩm chất tứ đức: “Công- Dung- Ngôn –Hạnh” chứ không chỉ thu gọn trong nghĩa hẹp của từ “Hạnh”.

Người huynh trưởng nói chung và người nữ huynh trưởng nói riêng phải luôn gương mẫu, tinh tấn trong sinh hoạt, đó là một trong những chất liệu nhằm thúc đấy sự sinh hoạt của toàn đơn vị hay nói cách khác là sự chung tay góp sức của từng thành viên để xây dựng GĐPT. Do vậy, người nữ huynh trưởng dù phải  gián đoạn sinh hoạt nhiều lần hoặc nhiều năm (do thực hiện thiên chức làm mẹ) cũng không quên được môi trường GĐPT, không quên được nhiệm vụ và sứ mạng của mình cho nên các chị đã tự khắc phục, thu xếp để đến được với gia đình Lam trong một ngày sớm nhất có thể được. (Điển hình như chị Tâm Minh Vương Thúy Nga, HTr cấp Dũng, hiện là Ủy viên Giáo Dục BHD GĐPT Việt Nam Trên Thế Giới, đến với tổ chức từ những năm 50 trong sinh hoạt đoàn Liên Hương, sát cánh bên chị cả Hoàng Thị Kim Cúc trong những kỳ trại huấn luyện HTr, nuôi dạy 4 con trưởng thành, hiếu thuận; chị Diệu Lãng Nguyễn Thị Nguyệt, PTB ngành Nữ GĐPT Việt Nam từ năm 1998 đến nay…)

Chúng ta thấy rằng ở các chị không có gia đình, hoặc có gia đình nhưng ít vướng bận chuyện con cái thì dễ dàng sinh hoạt hơn nhiều so với các chị có gia đình, sinh từ 2 đến 5 con, với kinh tế gia đình không lấy gì làm sung túc mà vẫn giữ được sinh hoạt đều đặn, lại là giềng mối của đơn vị, của tổ chức, đó chính là những hình ảnh tiêu biểu của huynh trưởng nữ chúng ta cần phải học tập. (xin giới thiệu với các chị em một vài huynh trưởng tiêu biểu ở Gia Định. Đó là chị Diệu Trinh – Nguyễn Thị Tuyết( hiện cả nhà 5 thành viên đều là huynh trưởng, thêm con rễ cũng là HTr. Bố mẹ đều là HTr cấp Tấn, hai con lớn đã tốt nghiệp Đại học, con gái lớn là HTr cấp Tập, đã qua Huyền Trang, con trai đã dự trại A Dục, con gái út cũng đã tốt nghiệp Đại học, đã dự trại Lộc Uyển và chị Nhật Quế – Lê Thị Thanh Vân, cả nhà 5 thành viên đều sinh hoạt trong GĐPT. Bố mẹ cũng đều là HTr cấp Tấn). Thuận lợi không chỉ vì các chị chọn “một nửa còn lại của mình” là HTr GĐPT mà cả khi ông xã không sinh hoạt trong tổ chức, các chị cũng đã khéo giữ vững nếp sinh hoạt: chị Trần Thị Phương Dung- HTr cấp Tín Đồng Nai, đã qua Vạn Hạnh 7( cả 6 mẹ con đều đi sinh hoạt, con lớn nhất đã tốt nghiệp Đại học, qua trại Lộc Uyển, con bé nhất là oanh vũ GĐPT Khánh Đạt ), chị Phạm Hoàng Nhã Uyên, sinh năm 1976, mới 37 tuổi, dù đã có 2 con, cũng là HTr cấp Tín Đồng Nai, đã qua Vạn Hạnh 7…

Ta từng nghe yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua, khi  yêu ta có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại trong cuộc đời. Chắc chắn, ngành Nữ sẽ không thiếu trưởng nếu như mỗi trưởng nữ chúng ta thật sư yêu mến tổ chức, thương yêu đàn em, đó sẽ là động lực mạnh mẽ giúp ta vượt qua mọi chướng duyên trong cuộc sống vô thường đầy dẫy những điều bất ý nơi cõi Ta Bà này..

Làm thế nào để huynh trưởng nữ có thể sinh hoạt thường xuyên, có thể giữ được lời phát nguyện khi nhận ngọn đèn Vô Tận Đăng trong đêm phát nguyện cuối trại Huấn luyện? “Hạnh nguyện Huynh trưởng” đòi hỏi ta phải phát Bồ Đề tâm, giữ Bồ Tát giới, hành Bồ Tát hạnh. Ta đã nghe “Tâm bình thế giới bình” hay “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Theo giáo lý Phật đà, con người chính là chủ thể của mình, có thể quyết định vận mệnh của mình từ trong quá khứ cũng như trong  hiện tại và vị lai, không một đấng tối cao hay thượng đế nào ban vui giáng họa; sướng khổ vui buồn hay an lạc thảnh thơi cũng chính do mình tạo nên. Huynh trưởng nữ chúng ta phải thấu hiểu sâu sắc và thâm nhập ý nghĩa này. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ không còn bị mọi cái cám dỗ trong cuộc đời kéo đi mãi mà không biết điểm dừng, lúc này việc sinh hoạt thường xuyên, đến với đoàn, gia đình, tổ chức sẽ trở nên dễ dàng và chúng ta sẽ làm tốt vai trò người Nữ HTr, tạo nên hình ảnh đẹp của người chị trưởng Áo Lam trong đàn em cũng như ngoài xã hội.

 Phước Châu

Bài khác nên xem

THÔNG ĐIỆP THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT

Tâm Lễ

Ngành Đồng BHD GĐPT Bình Phước tổ chức Ngày Hiếu PL 2556-2012

phuocthanh

Cầu nguyện an lành cho HTr cấp Dũng Tâm Huy – Phan Đình Thăng

Huệ Quang GĐPTVN